An ninh hình sự

Bộ Công an: Xuất hiện tội phạm xâm nhập hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp có bảo mật cao

06/05/2024, 16:24

Nhiều diễn đàn tội phạm mạng (có nhiều đối tượng người Việt Nam tham gia) thường xuyên trao đổi, chia sẻ phương thức, thủ đoạn, công cụ tấn công hệ thống mạng máy tính để thu lợi.

Công khai đánh cắp dữ liệu cá nhân

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, dự thảo này do Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện gửi Chính phủ.

Theo cơ quan soạn thảo, Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua và đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019. Luật An ninh mạng ra đời đánh dấu bước tiến mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ, quản lý không gian mạng, phòng, chống, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Bộ Công an: Xuất hiện tội phạm xâm nhập hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp có bảo mật cao- Ảnh 1.

Hàng triệu dữ liệu cá nhân bị lộ lọt, mua bán công khai trên mạng xã hội.

Thực tế, một số hành vi vi phạm về an ninh mạng hiện được quy định lồng ghép trong các văn bản xử phạt hành chính về công nghệ thông tin, viễn thông, tần số vô tuyến điện, văn hóa, tư tưởng, thương mại, tài chính, ngân hàng... Do đó còn tản mát ở nhiều văn bản nhưng chưa đầy đủ hành vi vi phạm, hiệu lực thi hành chưa cao, chưa đủ sức răn đe.

Hiện nay, hệ thống mạng thông tin Việt Nam tiếp tục đối mặt với hoạt động tấn công mạng, một số vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, để lại hậu quả lớn. Theo Bộ Công an, năm nào cơ quan chức năng cũng tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng do không có chế tài đủ sức răn đe nên các hành vi đó vẫn diễn ra.

Đối với hành vi chưa tới mức xử lý hình sự, mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe vì lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần với mức xử phạt. Tình trạng lộ thông tin nhạy cảm, thông tin bí mật nhà nước diễn ra thường xuyên, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng. 

Thống kê cho thấy, đến nay, có 455 mạng xã hội trong nước được cấp phép hoạt động. Một số mạng xã hội bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để cho người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Ngoài ra có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký ẩn danh và máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính, tin giả, tin sai sự thật. 

Trong khi đó, hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng dịch vụ của Facebook, Youtube. Dữ liệu thông tin cá nhân bị sử dụng, đánh cắp, công khai, trao đổi, rao bán nhằm trục lợi... Những hành vi này cần bị xử phạt để tăng sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm.

Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi; Rất nhiều cá nhân đã bị lừa đảo với số tiền rất lớn. Tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao chủ yếu là công dân nước ngoài đang dịch chuyển mạnh địa bàn hoạt động sang Việt Nam.

Tấn công, xâm nhập cả hệ thống ngân hàng

Cũng theo Bộ Công an, tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn. 

Điển hình như thủ đoạn lắp đặt thiết bị theo dõi tại các máy ATM nhằm trộm cắp thông tin, làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền. Trong đó, đối tượng phạm tội chủ yếu là người nước ngoài.

Bộ Công an: Xuất hiện tội phạm xâm nhập hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp có bảo mật cao- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Các diễn đàn tội phạm mạng (có nhiều đối tượng người Việt Nam tham gia) thường xuyên trao đổi, chia sẻ phương thức, thủ đoạn, công cụ tấn công hệ thống mạng máy tính để thu lợi. 

"Đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn tấn công, xâm nhập hệ thống thông tin của các doanh nghiệp có hệ thống bảo mật cao như ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để chiếm đoạt tiền", Bộ Công an phân tích.

Tình trạng truyền bá, phát tán ấn phẩm đồi trụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong, mỹ tục; Hoạt động phát tán phim ảnh khiêu dâm trẻ em gia tăng. Nhiều vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định trong Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng chưa có chế tài xử phạt.

Ngoài ra, tội phạm còn sử dụng không gian mạng để mua bán vũ khí, thiết bị nghe lén, định vị ngụy trang; Hoạt động mua bán giấy tờ, bằng cấp giả hay rao bán ma túy, chất gây nghiện vẫn diễn ra phổ biển. Có trường hợp còn lập hội nhóm kín trên Facebook, Zalo để quảng cáo cho việc mua bán các loại ma túy.

Do đó, để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.