Thời sự Quốc tế

Khoảnh khắc cầu gãy đôi vì mưa lũ kinh hoàng tại Brazil

06/05/2024, 11:23

Trận mưa lũ lịch sử kéo dài hơn 7 ngày qua tại bang Rio Grande do Sul miền Nam Brazil đã khiến nhiều cây cầu bị sập, nhiều tuyến đường phố ngập sâu trong nước, giao thông bị gián đoạn.

Theo AP, mưa lớn kéo dài gây lở đất, sụt lún đường, kéo sập nhà cửa, cầu cống… khiến hơn 88.000 phải rời bỏ nhà cửa và 16.000 người hiện đang sơ tán vào các trường học, nhà thi đấu hoặc những nơi tránh trú tạm thời. 

Số người thiệt mạng vì mưa lũ tăng lên 75, trong khi vẫn còn 103 người bị mất tích và ít nhất 155 người bị thương, hơn 800.000 người sống trong cảnh thiếu nước sạch.

Tại hiện trường, giới chức địa phương cho biết, cây cầu trên đường cao tốc kết nối căn cứ không quân Santa Maria và Silveira Martins bắc qua sông Arroio Grande đã bị nước lũ mạnh làm sập. Các lực lượng cứu hộ được triển khai đến hiện trường đã yêu cầu xe cộ tránh xa khu vực này và tìm đường khác để di chuyển.

Khoảnh khắc cây cầu ở Brazil bị sập do mưa lũ lớn (Video: Telegraph)

Tính đến 8h sáng 5/5, mực nước sông Guaiba đã dâng lên mức kỷ lục 5,33m – vượt quá mức đỉnh lũ lịch sử năm 1941 khi đó là 4,76m.

Thống đốc bang Rio Grande do Sul Eduardo Leite cùng ngày nhấn mạnh: "Thảm họa mà chúng ta đang phải hứng chịu là chưa từng có trong lịch sử". 

Trước đó, ông cũng đã đề cập đến việc bang Rio Grande do Sul cần một kế hoạch khổng lồ để tái thiết.

Tổng thống Brazil Lula da Silva trực tiếp đi thị sát tình hình của bang lần thứ 2 trong tuần bằng trực thăng. Phát biểu với báo giới sau chuyến đi, ông Lula da Silva kêu gọi phải chấm dứt ngay việc chạy theo thảm họa, cần tính trước được những gì có thể xảy ra và hành động ngay. 

Giới chức Brazil đã triển khai 626 binh sĩ cùng hàng chục phương tiện và tàu thuyền để phân phối nước sạch, thực phẩm, giường chiếu cũng như chỗ trú ẩn cho người dân. Lực lượng cứu hộ cũng triển khai xuồng và trực thăng để tìm kiếm và đưa những người còn bị kẹt trong mưa lũ đến nơi an toàn.

Mưa lớn đã trút xuống bang Rio Grande do Sul từ thứ Hai và dự báo kéo dài hết Chủ nhật. Tại một số khu vực thung lũng, miền núi và đô thị của bang, lượng mưa trong chưa đầy một tuần đã vượt mức 300mm.

Đây là đợt thiên tai thứ 4 mà bang Rio Grande do Sul phải hứng chịu trong vòng chưa đầy một năm kể từ những trận lũ kinh hoàng trong các tháng 7,9 và 11 của năm 2023 khiến 75 người thiệt mạng.

Một số hình ảnh về bão lũ kinh hoàng ở Brazil:

Khoảnh khắc cầu gãy đôi vì mưa lũ kinh hoàng tại Brazil - Ảnh 1.

Cầu sập do mưa lũ nghiêm trọng khiến giao thông ùn tắc (Ảnh: The Sun)

Khoảnh khắc cầu gãy đôi vì mưa lũ kinh hoàng tại Brazil - Ảnh 2.

Một chiếc xe hơi bị ngập sâu trong nước lũ (Ảnh: Reuters)

Khoảnh khắc cầu gãy đôi vì mưa lũ kinh hoàng tại Brazil - Ảnh 3.

Nước ngập quá sâu khiến nhiều tuyến đường biến thành sông người dân phải bơi trong nước để di chuyển (Ảnh: Reuters).

Khoảnh khắc cầu gãy đôi vì mưa lũ kinh hoàng tại Brazil - Ảnh 4.

Một số người phải di chuyển lên mái nhà để tránh bị nước lũ cuốn trôi (Ảnh: Reuters).

Khoảnh khắc cầu gãy đôi vì mưa lũ kinh hoàng tại Brazil - Ảnh 5.

Lực lượng cứu hộ triển khai thuyền tiếp cận những nơi nước ngập sâu không thể tiếp cận bằng đường bộ (Ảnh: AFP).

Khoảnh khắc cầu gãy đôi vì mưa lũ kinh hoàng tại Brazil - Ảnh 6.

Nhiều khu vực ở bang Rio Grande do Sul hoàn toàn bị cô lập trên diện rộng (Ảnh: AFP).

Khoảnh khắc cầu gãy đôi vì mưa lũ kinh hoàng tại Brazil - Ảnh 7.

Lực lượng cứu hộ buộc phải triển khai trực thăng để tìm kiếm và hỗ trợ đưa người dân đến nơi an toàn (Ảnh: AFP).

Thời gian gần đây, thời tiết tại khu vực Nam Mỹ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi El Niño, hiện tượng khí hậu xảy ra khi lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương nóng lên bất thường. Tại Brazil, El Niño từng gây hạn hán nghiêm trọng tại miền Bắc và mưa lớn dữ dội ở miền Nam.

Trong năm 2024, ảnh hưởng của El Niño đặc biệt đáng quan ngại khi hiện tượng khí hậu này gây ra hạn hán lịch sử tại khu vực rừng Amazon. Các nhà khoa học cho rằng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt này xảy ra là do hệ lụy từ các hoạt động của con người gây biến đổi khí hậu.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.