Sách

Sách đạt giải thưởng của Ocean Vương bỗng trở thành khủng hoảng giáo dục do đâu?

Mấy ngày qua trên mạng xã hội và truyền thông ồn ào về chuyện một phụ huynh tự nhận là có con đang học lớp 11 tại Trường Quốc tế TP. HCM (ISHCMC) có một bài đăng trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Phụ huynh cho biết trước kỳ nghỉ lễ vừa qua, cô giáo đã phát tác phẩm "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" của tác giả Mỹ gốc Việt Ocean Vương cho học sinh về nhà đọc.

Phụ huynh đó đã hoảng hốt vì trong sách có những trang văn nhạy cảm, bị phụ huynh cho là không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Theo thông tin mới nhất thì Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã chỉ đạo trường ISHCMC thu hồi toàn bộ số sách đã phát ra và đang rà soát, kiểm tra lại sự việc.

Vì sao tác phẩm "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" của tác giả có danh tiếng Ocean Vương, được Công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành năm 2021, được giải thưởng Sách hay ở hạng mục sách Văn học năm 2022, lại bỗng nhiên trở thành nguyên nhân chính của một vụ việc khủng hoảng giáo dục? Có phải vì nội dung của tác phẩm hay là cách sử dụng tác phẩm không hợp lý?

Một tác phẩm được đánh giá cao

Tác phẩm "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" có tựa gốc “On Earth We're Briefly Gorgeous” của Ocean Vương được sáng tác năm 2019 bằng tiếng Anh. Tác phẩm này khi ra đời đã nhận được nhiều lời khen và nhận về một số giải thưởng nhỏ về văn học ở Mỹ như giải thưởng Sách New England, giải thưởng Sách Connecticut, giải thưởng Sách Massachussetts… cùng một số giải thưởng dành riêng cho văn học đồng tính. 

Sách đạt giải thưởng của Ocean Vương bỗng trở thành khủng hoảng giáo dục do đâu?- Ảnh 1.
Sách đạt giải thưởng của Ocean Vương bỗng trở thành khủng hoảng giáo dục do đâu?- Ảnh 2.

Bìa sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" xuất bản tại Việt Nam và một bản nguyên tác.

Trên tờ báo The Washington Post, trong bài viết ngày 28/5/2019 “On Earth We're Briefly Gorgeous” của Ocean Vương gây choáng vĩnh viễn” Ron Charles đã nhận xét về tác phẩm và tác giả: “Xuất phát từ hoàn cảnh bị gạt ra ngoài lề xã hội, anh ấy đã tạo ra một tác phẩm trữ tình về sự khám phá bản thân, gần gũi đến kinh ngạc và có tính phổ quát nhất quán”. 

Tác phẩm cũng lọt vào danh sách những cuốn sách hay năm 2019 của một số tờ báo như The Washington Post, The New Yorker, Los Angeles Times, Vogue US, Variety, Vanity Fair…

Ocean Vương sinh ngày 14/10/1988 tại TP.HCM. Năm lên 2 tuổi, Ocecan Vương di cư đến Mỹ, sống tại Hartford, Connecticut. Khi đến Mỹ, không ai trong gia đình anh biết nói tiếng Anh.

Người mẹ của Ocean Vương khi đến Mỹ đã lao động vất vả trong một tiệm làm móng tay (nail) và trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. 

Bà đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn cho những tác phẩm của Ocean Vương và chính tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” tuy được mang danh là thể loại hư cấu, nhưng thật ra mang nhiều yếu tố tự truyện với lời đề từ “Dành tặng mẹ”. 

Tác phẩm được viết dưới dạng một lá thư của một người con trai đồng tính gửi người mẹ không biết chữ của mình. Lá thư của người con trai có biệt danh là Chó Con (Little Dog) được viết kiểu dòng ý thức, gồm những lời kể lan man không theo trình tự thời gian, đan xen từ quá khứ đến hiện tại. 

Từ đó có thể thấy được những sự vùng vẫy, tự vấn và hành trình mệt nhọc của một gia đình người Việt vượt qua những rào cản văn hóa, tâm lý, ngôn ngữ để tồn tại và sinh sống ở một xứ sở mới cùng với những chấn thương hậu chiến.

Vì sao “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” được khen ngợi ở Mỹ và Việt Nam?

Người Việt Nam nói chung ít có dịp tiếp cận với các giải thưởng văn học ở các nước phương Tây và cũng ít có dịp hiểu biết nhiều về văn học đương đại. Cũng không nhiều người hiểu được thực chất tầm mức của các giải thưởng mà Ocean Vương đã nhận cho tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”. 

Do vậy một tên tuổi như Ocean Vương bên cạnh những thành công đã được ghi nhận, thì yếu tố Mỹ gốc Việt cũng khiến cho Ocean Vương được lòng giới văn chương ở Việt Nam. 

Sách đạt giải thưởng của Ocean Vương bỗng trở thành khủng hoảng giáo dục do đâu?- Ảnh 3.

Tác giả Ocean Vương.

Cũng không có nhiều tác giả gốc Việt thành danh ở nước ngoài nên việc Ocean Vương được độc giả Việt Nam ưu ái là điều dễ hiểu. 

Độc giả cũng muốn biết những “hương vị phương xa” của một gia đình người Việt nhập cư nơi đất Mỹ là như thế nào và tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” thỏa mãn được tâm lý đó. 

Mặt khác, việc Ocean Vương công khai là người đồng tính cũng được ca ngợi là sự thành thật và dũng cảm trong bối cảnh việc ủng hộ những người đồng tính trở thành một xu hướng trong xã hội Việt Nam. 

Tuy nhiên, tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” ghi được dấu ấn nhờ vào cảm xúc và sự chân thực khi viết về tình cảm gia đình. Chủ đề tình cảm gia đình, sự nhập cư, những ẩn ức tâm lý của tuổi mới lớn… đều là những chủ đề mang tính vĩnh cửu của văn học, nay được một nhà văn Mỹ gốc Việt viết từ chính góc nhìn cá nhân và những trải nghiệm của bản thân, là yếu tố khiến cho tác phẩm này thu hút độc giả. 

Ocean Vương cũng là một tác giả chú ý về vấn đề làm truyền thông cho bản thân và báo chí Việt Nam đôi khi dành cho anh những mỹ từ to lớn như “thiên tài” hay “được độc giả trên toàn thế giới yêu mến” cũng khiến cho nhiều độc giả choáng ngợp.

Còn ở Mỹ nói riêng và ở nhiều nước phương Tây nói chung, từ khoảng thập niên đầu những năm 2000 cho đến nay, văn học nói chung và những tác phẩm văn hóa nghệ thuật nói riêng có xu hướng cổ súy, tôn vinh những vấn đề mang tính thời đại, dân chủ như chống phân biệt chủng tộc, đề cao bình đẳng giới, khai thác những vấn đề như sự di dân, đồng tính, chuyển đổi giới tính… 

Không chỉ riêng tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” được ghi nhận, vinh danh, mà có nhiều tác phẩm tương tự khác cũng như vậy, chẳng hạn như tác phẩm “Call Me by Your Name” (Gọi em bằng tên anh) của nhà văn André Aciman xuất bản năm 2007 và được dựng thành một bộ phim đình đám năm 2018.

Chủ đề của tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” không mới, đồng thời cũng chưa thể so với thành công của những tác phẩm cũng mang yếu tố gia đình, nhập cư như tác phẩm “Phúc lạc hội” của Amy Tan. 

Hay thậm chí cũng không thể so với cuốn sách dành cho tuổi mới lớn đã trở thành kinh điển trong gần một thế kỷ qua của văn học Mỹ là “Bắt trẻ đồng xanh” của J.D. Salinger. 

Ngay cả cuốn sách “Speak No Evil” (Không nói điều ác) của nhà văn Mỹ gốc Nigeria Uzodinma Iweala xuất bản năm 2018 với nhân vật chính là một thiếu niên người Mỹ gốc Nigeria đối mặt với căn tính và giới tính của mình, cùng những vấn đề về chủng tộc, tôn giáo và gia đình cũng được giới phê bình và báo chí Mỹ đánh giá cao với nhiều giải thưởng. 

Tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” xét trên phương diện chủ đề, khá giống với tác phẩm “Speak No Evil” (Không nói điều ác).

Tác phẩm có khiêu dâm hay không?

Cần khẳng định rằng chủ đề của tác phẩm này không phải là về khiêu dâm. 

Tuy nhiên, trong tác phẩm của những đoạn nhạy cảm và không phù hợp với văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa học đường, cho dù là ở một trường học quốc tế. Giáo viên khi giới thiệu tác phẩm này có lẽ muốn hướng học sinh về chủ đề gia đình, tình cảm mẹ con, cùng với những trăn trở của tuổi mới lớn, mà đã bỏ qua những đoạn văn nhạy cảm. 

Nếu muốn giới thiệu tác phẩm này với học sinh, nên chăng giáo viên cần có những chỉ dẫn cụ thể trước về tác phẩm, mang tính định hướng. 

Mặt khác, cũng không thiếu những tác phẩm hay, có giá trị có thể giới thiệu đến với học sinh, chứ cũng không nhất thiết phải giới thiệu tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”. 

Mặt khác, ở Việt Nam quyền chuyển đổi giới tính chính thức được hợp pháp hóa tại Việt Nam sau khi Bộ luật dân sự sửa đổi 2015 cho phép cùng với việc đồng tính không được coi là bệnh từ năm 2022, nhưng Việt Nam vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng giới cùng với tư tưởng kỳ thị đồng tính vẫn còn tồn tại thì việc tác phẩm bị phản đối là điều dễ hiểu.

Tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” cũng không phải là một tác phẩm dễ đọc ngay kể cả tập trung vào chủ đề gia đình và tâm lý tuổi mới lớn, nếu không có sự hướng dẫn cách đọc rất cụ thể và thận trọng từ phía giáo viên hay phụ huynh. Bởi vì tâm lý nhiều ẩn ức của một cậu con trai đồng tính mới lớn cùng với khung cảnh đậm đặc văn hóa Mỹ, sự lạc lõng của một gia đình nhập cư và những hồi ức về chiến tranh Việt Nam có phần quá sức đối với những độc giả nhỏ tuổi chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự phản ứng dữ dội từ trên mạng xã hội của nhiều người, chính là ở những lý do: Một số người chưa đọc toàn văn tác phẩm nên cho đó là tác phẩm khiêu dâm. 

Nhưng cuốn sách mang một chủ đề rộng lớn hơn về tình cảm gia đình, sự nhập cư, tâm lý tuổi mới lớn như đã nói ở trên và việc miêu tả tình dục đồng giới ở độ tuổi của nhân vật trong một tác phẩm như thế này không xa lạ trong văn hóa phương Tây. Sự khác biệt về văn hóa cũng là một yếu tố cần phải cân nhắc đến trong giáo dục học đường. 

Đặc biệt, Ocean Vương là một tác giả được đề cập đến như là một người viết có ngôn ngữ giàu chất thơ. Tuy nhiên bản dịch “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Khánh Nguyên thì lại không hề chuẩn, thậm chí mắc nhiều sai lầm thô thiển về cách dùng từ. 

Không chỉ riêng ở những đoạn văn bị coi là khiêu dâm, mà tác phẩm còn mắc nhiều lỗi dịch. Khánh Nguyên dịch tác phẩm “Nhật ký đau buồn” của Roland Barthes thì dịch là “Nhật ký khóc thương”. Câu dịch: “Đường nét gương mặt giống hệt anh, quai hàm to, chân mày tỏa” dịch đúng phải là: “Những đường nét giống anh đến thế, quai hàm nặng nề, vầng trán rộng”.

Một câu đầy chất thơ lại được dịch khá rối rắm: “Tổ tiên áp xuống cho con cháu cái thôi thúc câm lặng phải bay về phương Nam, hướng về nơi mà trong truyện kể không ai có thể sống sót vượt qua”. Câu dịch đúng phải là: “Tổ tiên trao cho con cháu của họ sự thôi thúc âm thầm phải bay về phương Nam, hướng về nơi mà câu chuyện kể rằng không có ai sống sót được”

Tác phẩm được chủ ý dịch theo văn phong phương ngữ miền Nam, thì lại xen vào nhiều từ ngữ miền Bắc như “lẳng hộp Lego”, “nôn”, “vốc xôi”…

Những câu chữ nhạy cảm được dịch quá trần trụi và thô thiển. Câu “Lần đầu tiên đ... nhau, bọn con không đ... thật”, trong khi có thể dịch là: “Lần đầu tiên làm tình, bọn con thật ra không hề làm tình”. 

Câu “Con nhổ nước bọt vào tay rồi với ra sau, nắm chặt con ch... nóng rực của cậu, giả vờ là đồ thật, trong lúc cậu ấn tới” có thể dịch là: “Con nhổ nước bọt vào tay và với tay ra sau, nắm chặt lấy dương vật nóng bỏng của cậu ấy, bắt chước giống thật trong khi cậu ấy ấn tới”. (Các từ viết tắt in nghiêng  do PV viết tắt tránh gây phản cảm tới bạn đọc)

Vì vậy, tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” bị phản ứng có phần lớn nguyên nhân đến từ bản dịch có chất lượng không tốt, làm giảm giá trị của tác phẩm, đồng thời tạo ra nhận định rằng tác phẩm mang tính khiêu dâm nếu chỉ đọc một số đoạn trích. 

Từ đó có thể thấy rằng không phải tác phẩm văn học nào được ca ngợi cũng phù hợp để đưa vào môi trường học đường ở Việt Nam, và mỗi tác phẩm đưa vào cũng cần có sự giới thiệu mang tính định hướng trước của giáo viên cho học sinh. 

Và một bản dịch chất lượng không tốt cũng góp phần “giết chết” tác phẩm trong lòng người đọc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.