An ninh hình sự

Vì sao Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái bị bắt tạm giam?

04/05/2024, 17:44

Ông Dương Văn Thái bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nguyên Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái bị bắt tạm giam từ ngày 1/5/2024

Chiều 4/5, tại họp báo Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô (người phát ngôn Bộ Công an) cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

"Các thủ tục tố tụng với ông Dương Văn Thái được tiến hành từ ngày 1/5", ông Xô thông tin.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, ông Dương Văn Thái (SN 1970) bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan đến việc mở rộng vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Tập đoàn Thuận An.

Hiện, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng đối với ông Dương Văn Thái. 

Vì sao Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái bị bắt tạm giam?- Ảnh 1.

Ông Dương Văn Thái (ảnh: Phùng Đô).

Trước đó, theo thông cáo báo chí của Tổng Thư ký Quốc hội, ngày 26/4, căn cứ quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1046/NQ-UBTVQH15 đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.

Bị can Phạm Thái Hà và nhiều cá nhân khai báo thành khẩn

Liên quan vụ án này, hôm 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Ông Phạm Thái Hà bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Trước đó, ngày 15/4, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Trần Anh Quang, Tổng giám đốc và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó tổng giám đốc Công ty này cũng bị khởi tố và lệnh bắt tạm giam.

Ngoài ra, C03 áp dụng biện pháp tương tự đối với các bị can: Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc, Đàm Văn Cường, Phó giám đốc và Hoàng Thế Du, Trưởng phòng thuộc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang

Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, tài liệu điều tra vụ án Thuận An đến nay thể hiện, từ tháng 12/2014 đến 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã trực tiếp hoặc liên danh để tham gia và trúng nhiều gói thầu tại 16 tỉnh, thành phố, với tổng giá trị hơn 23 nghìn tỷ.

Riêng các năm 2022-2023, Thuận An phát triển rất nhanh và trúng nhiều gói thầu có tổng trị giá 18 nghìn tỷ. Trong số này, nhiều gói thầu thuộc nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau Covid-19. 

Kết quả điều tra còn cho thấy, các bị can Nguyễn Duy Hưng, Phạm Thái Hà (Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà), Dương Văn Thái và một số bị can khác đều khai báo với thái độ thành khẩn và chi tiết, qua đó làm rõ bản chất vụ án. Một số bị can cũng đã chủ động khắc phục hậu quả. 

Bộ Công an kêu gọi những cá nhân mắc sai phạm liên quan vụ án này hãy trung thực báo cáo với tổ chức hoặc tự thú để được hưởng khoan hồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.